Nhắc đến ẩm thực của người Mường, thực khách thường nghĩ ngay đến những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối như: món cá suối, thịt lợn rừng, măng chua... nhưng có lẽ ít ai đã được thưởng thức món rau rừng đồ. Với đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao Thanh Sơn, từ những loại rau rừng bình dị, gần gũi trong vườn nhà, trên vách núi, đồng bào đã chế biến nên món rau rừng hết sức độc đáo, hấp dẫn mang đặc trưng riêng mà chỉ người Mường nơi đây mới có.
Từ bao đời nay, rau rừng đồ đã trở thành một món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn. Do đặc điểm tập quán sinh sống, người Mường thích những vị chua chát, vị đắng, thích sử dụng phương thức đồ để chế biến rau nên món rau đồ được đồng bào khá ưa chuộng. Theo họ, rau đồ khác với các món ăn từ rau khác là sẽ giữ được hương vị của các loại rau. Món rau rừng đồ được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau, thông thường, đồng bào sẽ hái các loại rau quanh nhà như: rau lang, rau bí, rau dền cơm, rau ngải cứu, lá tía tô, lá lốt, cà rừng (loại cà quả nhỏ như cà pháo nhưng có gai), hoa chuối rừng, rau cải đồng… và không thể thiếu được trong món rau đồ đó là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh. Chúng được sử dụng để tạo ra vị đắng cho các món ăn.
Về cách chế biến, các loại rau sau khi rửa sạch, được thái nhỏ, mỏng, trộn đều, rồi đồ lên bằng chõ gỗ. Chờ cho nước sôi thì cho rau vào chõ gỗ để đồ. Sau khoảng 15- 20 phút, khi ngửi thấy mùi thơm của các loại rau, đặc biệt là lá lốt, có nghĩa là rau đã chín. Rau được đồ chín bằng hơi nên không nát, khi chín những loại rau này vẫn giữ được sắc màu, rất xanh, rất đậm đà.
Rau đồ đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực và màu nâu nhạt của hoa chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của rau ngải cứu, lá đu đủ. Rau đồ có thể xem như một món ăn rất truyền thống của người Mường, đồng bào đi làm nương về cũng có thể hái rau rồi làm món ăn này. Điều đặc biệt hơn, trong các loại rau rừng đồng bào đem đồ cũng là một trong những vị thuốc vì những loại rau rừng có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể.... Chỉ từ những sản vật của núi rừng mà người Mường Thanh Sơn đã chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc biệt. Bà Đinh Thị Văn, xóm Cầu, xã Thạch Khoán cho biết: Gia đình tôi đều ưa thích món rau đồ, mỗi loại rau đều có hương vị riêng, đây là món ăn khá đơn giản.
Tuy nhiên để món rau đồ thêm đậm đà thì phải được ăn kèm với nước chấm lòng cá. Để tạo thành nước chấm này, người chế biến phải chuẩn bị: lòng cá, nghệ, ớt, cà chua, hành lá và mẻ. Các nguyên liệu được trưng lên, khi sánh lại là được. Bà Văn cho biết thêm, nước chấm muốn đạt yêu cầu thì phải chọn được lòng cá ngon, đồng bào Mường ở đây thường lấy lòng cá chép, làm sạch sẽ rồi ướp với những gia vị quen thuộc nói trên. Điều đặc biệt là phải dùng chính mỡ của con cá đó để xào lòng cá. Nước chấm lòng cá chế biến song sẽ có màu vàng đậm của nghệ tươi cùng vị béo ngậy của lòng cá.
Đó cũng là lúc mọi người cùng nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món rau rừng đồ. Vị chát, đắng tự nhiên ở đầu lưỡi như hòa quyện cùng với vị béo, ngọt, cay, thơm của thứ nước chấm lòng cá sẽ để lại cho thực khách ấn tượng khó quên. Không biết từ bao giờ, món rau rừng đồ chấm lòng cá còn trở thành một món ăn đặc sản được đồng bào người Mường dùng trong những dịp gia đình đón tiếp khách quý phương xa. Món ăn tuy bình dị nhưng trong đó chứa đựng tấm lòng hiếu khách của đồng bào. Với người Mường Thanh Sơn, thưởng thức rau rừng đồ chấm lòng cá cũng là cơ hội để du khách hiểu hơn về đời sống văn hóa ẩm thực vốn rất độc đáo, phong phú của các thế hệ người Mường trên mảnh đất vùng cao xa xôi mà thương mến.