Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam ! Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)

Đăng ngày 10 tháng 8 năm 2021
Ngày 10/8 năm nay là tròn 60 năm kể từ khi thảm họa da cam/dioxin xảy ra ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021). Những mất mát, đau thương mà thảm họa này gây ra trên đất nước chúng ta đã để lại hậu quả, di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Nỗi đau của nhiều thế hệ
 
“Không nỗi đau nào như nỗi đau da cam”. Thật vậy, khi chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thử, ở thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) mới cảm thấu được nỗi đau mà gia đình này đã và đang phải gánh chịu.
 
Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vui chơi ở Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).              Ảnh: T.L
Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vui chơi ở Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). Ảnh: T.L
Ông Thử là bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông có mặt ở chiến trường Quảng Ngãi. Dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn, không sợ gian khổ hy sinh, nhưng CĐDC đã để lại trong ông nỗi đau dai dẳng, đáng sợ nhất. Ông Thử kể, đất nước thống nhất, cũng như bao người lính, tôi lấy vợ, sinh con. Nhưng có ngờ đâu, lần lượt 6 con sinh ra thì 4 đứa bị nhiễm CĐDC. Đầu bạc tiễn đầu xanh, lần lượt 3 đứa con của tôi bị bại liệt qua đời. Nỗi đau chồng nỗi đau, khi đứa cháu ngoại của tôi cũng bị nhiễm CĐDC. Những năm qua, gia đình tôi vất vả lo cho các con bị bệnh. Vợ tôi cũng đã cạn nước mắt, lam lũ vì các con. Giờ còn đứa con trai út đã 40 tuổi, bị nhiễm CĐDC đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do ba mẹ chăm sóc. Không biết sau này khi chúng tôi qua đời, ai sẽ lo cho cháu!
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn mãi đeo bám cuộc sống của nhiều gia đình. Nghiệt ngã hơn, di chứng ấy còn đeo bám đến tận cả thế hệ con cháu của họ. Chị Trần Thị Bé Nhung, ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), có con là Bùi Tấn Phúc bị bại liệt. Chị Nhung nghẹn ngào chia sẻ, mỗi ngày, khi chồng đi làm tôi phải ở nhà chăm sóc con. Ông nội cháu Phúc tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC. Cháu Phúc thuộc thế hệ thứ ba nhiễm loại chất độc này, nên đã 16 tuổi mà vẫn như một đứa bé.
 
đây chỉ là hai gia đình trong số hàng nghìn nạn nhân CĐDC đã và đang sống trong sự đùm bọc của người thân và cộng đồng xã hội. Suốt 10 năm (từ 1961 - 1971), quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học xuống 1/4 diện tích miền Nam. Hậu quả là 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết. Trong đó có 75 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và 35 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba... Riêng Quảng Ngãi có hơn 23 nghìn người bị nhiễm CĐDC/dioxin. Trong đó, hơn 8 nghìn người tham gia kháng chiến là nạn nhân; con của họ có 2.699 người bị nhiễm. Số nạn nhân là thế hệ thứ ba lên đến 1.443 người...
 
Chung tay hỗ trợ nạn nhân da cam
 
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học và hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam. Cùng với đó là sự chung tay của cộng đồng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Có nhiều gia đình nạn nhân CĐDC nghèo khó được hỗ trợ sinh kế, nhà ở... từng bước ổn định đời sống.
 
Ông Đinh Xiêm, ở thôn Hà Xuyên, xã Long Hiệp (Minh Long) là nạn nhân CĐDC, có con gái cũng bị nhiễm dioxn. Từ chỗ là hộ nghèo, năm 2017, ông được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin hỗ trợ 1 con trâu giống để phát triển chăn nuôi. Sau 4 năm, ông Xiêm đã phát triển thành 3 trâu con và một trâu mẹ sắp đẻ lứa thứ tư. Bên cạnh đó, ông Xiêm còn thực hiện mô hình trồng trọt để hỗ trợ chăn nuôi. “Nếu không có nguồn hỗ trợ trâu giống ban đầu, thì không biết bao giờ tôi mới thoát nghèo. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước đã giúp những gia đình nạn nhân da cam chúng tôi có điều kiện vượt qua nghịch cảnh”, ông Xiêm xúc động nói.
 
Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là nơi giúp nhiều nạn nhân chất độc da cam có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là nơi giúp nhiều nạn nhân chất độc da cam có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Hường, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), cũng là một trong những nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn. Cuối năm 2020, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để bà xây dựng lại căn nhà đã xuống cấp, ổn định cuộc sống. “Nhờ sự quan tâm của các cấp, căn nhà ọp ẹp trước kia giờ đã được xây lại khang trang hơn. Tôi không còn canh cánh nỗi lo vào mùa mưa bão nữa”, bà Hường bày tỏ niềm vui.
 
Ngày 29/11/2005, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Ngãi được thành lập. Đây là ngôi nhà chung, là điểm tựa cho những nạn nhân CĐDC. Đến nay, toàn tỉnh có 12 hội cơ sở ở cấp huyện và 173 hội cấp xã, với hơn 12.000 hội viên. Quảng Ngãi là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
 
Với vai trò làm “cầu nối”, các cấp hội đã huy động rất nhiều nguồn lực để giúp đỡ nạn nhân da cam. Tính từ năm 2006 - 2020, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đã huy động gần 182 tỷ đồng để hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Trong 5 năm gần đây, có 571 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, 3 tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam hỗ trợ hơn 32,9 tỷ đồng. Các cấp hội cũng đã hỗ trợ xây dựng 380 nhà ở, trao 363 con bò, hàng chục con trâu, heo giống, tặng 430 suất học bổng cho nạn nhân da cam. Hội đã xây dựng 2 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nhiều nạn nhân CĐDC tại xã Nghĩa Thắng và TX.Đức Phổ; trợ cấp khó khăn cho 1.458 nạn nhân. Cùng với đó là tặng 60.920 suất quà, làm 7 giếng khoan, tặng 28 máy lọc nước, 20 máy băm thức ăn gia súc, hỗ trợ 97 xe lăn và khám cấp phát thuốc miễn phí hơn 224 lượt nạn nhân da cam...
 
Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đã phối hợp với các cấp, ngành hướng dẫn thủ tục và tổ chức giám định, tạo điều kiện để giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh đã có gần 4.570 người được hưởng chính sách, 7.427 người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
 
Và những trăn trở  
 
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chăm lo cho nạn nhân CĐDC, điều khiến nhiều người trăn trở là vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Nguyên nhân là do một số chính sách về nạn nhân CĐDC chưa đồng bộ; việc bổ sung giấy tờ chứng minh vùng miền tham gia kháng chiến cho các đối tượng gặp khó khăn do bị thất lạc...
 
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Thanh Phương (bên phải) thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Thử, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Thanh Phương (bên phải) thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Thử, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Nguyễn Thanh Phương cho biết, việc yêu cầu giấy chứng nhận các loại bệnh liên quan đến chất độc hóa học phải trước ngày 30/4/1975; hay yêu cầu hồ sơ phải lập trước ngày 1/1/2000. Ngoài ra, việc con của một số người hoạt động kháng chiến bị khuyết tật không được hưởng chế độ ưu đãi, mà hưởng chế độ bảo trợ xã hội cũng phần nào thiệt thòi, khó khăn cho nạn nhân CĐDC khi làm chính sách.
 
"Việc chăm lo cho nạn nhân CĐDC không chỉ là trách nhiệm của một hoặc vài đơn vị, mà cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Thời gian đến, các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxn tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, tăng cường vận động các nguồn lực trong xã hội để chung tay giúp đỡ các nạn nhân CĐDC khắc phục khó khăn, có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống", ông Phương nói.
Theo http://baoquangngai.vn Bài, ảnh: KIM NGÂN


3 of 14