Bảy ngày ở Trung tâm điều dưỡng người có công

Đăng ngày 16 tháng 7 năm 2019
(QNĐT)- Mỗi năm, có hàng nghìn đối tượng người có công với cách mạng được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng người có công của tỉnh tại xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh). Tuy chỉ ở lại Trung tâm 7 ngày, nhưng đây là khoảng thời gian đầy ý nghĩa, vì ở đây người có công nhận được sự tri ân tận tâm của Đảng, Nhà nước và thế hệ đi sau.

Trung tâm điều dưỡng người có công đã đi vào guồng hoạt động đều đặn từ hơn 5 năm nay. Đây là nơi đón nhận những đối tượng người có công là: thương bệnh binh, Mẹ VNVH, thân nhân liệt sĩ… tổ chức ăn ở, điều trị bệnh và tham quan trong vòng 7 ngày. Cứ thế, đến nay, trung tâm đã tiếp đón và phục vụ chu đáo hơn 9.000 lượt người có công.

Sáng 23/7, chúng tôi có mặt tại Trung tâm từ sớm để tham gia tiếp đón đoàn người có công của huyện Đức Phổ với số lượng 90 người. Chị Lương Thị Hà Thanh- Cán bộ quản lý của Trung tâm vừa huy động anh em hoàn thành nốt khâu dọn dẹp cuối cùng trước khi đón khách, vừa nói: Cứ mỗi lần đoàn đi thì chúng tôi phải nghỉ vài ngày để dọn dẹp vệ sinh khuôn viên rộng 9.000 mét vuông của Trung tâm. Những người đến đây hầu hết là người già, nên phòng ốc, khuôn viên lúc nào cũng phải gọn gàng, thoáng đãng để làm hài lòng các cụ.

Ngay khi xuống xe, đoàn người có công đã được nhân viên của Trung tâm tiếp đón nồng nhiệt.

Nghe chị Thanh nói vậy, hơn 10 nhân viên đang dọn dẹp đều gật gù nở nụ cười thật tươi và hăng hái đẩy nhanh nhịp độ lao động. Đến 8 giờ sáng, mọi khâu chuẩn bị đã hoàn thành, cùng lúc đó 2 chiếc xe ô tô chở 90 người có công huyện Đức Phổ dừng lại ngay cổng Trung tâm. Các nhân viên ùa ra đón các cụ già và xách hộ hành lý với thái độ niềm nở.

Với những người lần đầu tiên đến đây, họ không khỏi trầm trồ vì nhìn thấy khuôn viên xanh mướt, không khí thoáng mát của Trung tâm. Những lời thăm hỏi sức khỏe ân cần, cùng tiếng cười đùa vui vẻ, khiến cho khuôn viên thêm phần ấm áp, rộn ràng.

Bà Võ Thị Bảy- ngụ xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là thương binh 3/4, có chồng là liệt sĩ lần đầu đến Trung tâm trong dịp này. Bà Bảy được một nhân viên mặc áo xanh tình nguyện xách hộ hành lý và dẫn về tận phòng ở, liền tỏ ý trầm trồ: “Trước khi tới đây ở 7 ngày, tôi thấy khá lo ngại vì không biết ở Trung tâm có thoải mái như ở nhà mình. Nhưng vừa mới xuống xe đã được các cháu tiếp đón, chăm sóc tận tình thế này thì còn gì bằng, tôi rất yên tâm”.

Trong thời gian ở tại Trung tâm, các cụ sẽ được chăm sóc sức khỏe và tiến hành vật lý trị liệu

Không chỉ vậy, ngay sau khi ổn định việc nhận phòng cho các cụ, Trung tâm liền cử người đến từng phòng để khám, kiểm tra sức khỏe cho đoàn người có công. Khâu này được tiến hành khá kỹ để xác định tình trạng bệnh lý của mỗi người. Từ đó có chế độ ăn uống và tiến hành trị liệu cho phù hợp. Y sĩ Huỳnh Hoàng cho biết: Đối tượng người có công là những người có sức khỏe không ổn định vì di chứng chiến tranh để lại. Do đó, khi đến trung tâm, các cụ sẽ được chúng tôi kiểm tra kỹ lưỡng để tư vấn, giúp các cụ vừa được an dưỡng và điều trị bệnh với tinh thần thoải mái nhất trong 7 ngày ở Trung tâm.

Cùng lúc với việc kiểm tra sức khỏe, các nhân viên khác của trung tâm tranh thủ nấu ăn cho 90 người có công vừa đến. Anh Phạm Văn Tấn- nhân viên gắn bó với Trung tâm từ ngày thành lập năm 2008, chia sẻ: Dù anh em không phải bộ phận nhà bếp, nhưng đến bữa mọi người đều góp sức vào nấu nướng. Mỗi người đến Trung tâm có chế độ chăm sóc, ăn uống với số tiền 2,2 triệu đồng/7 ngày. Do đó, thức ăn cho các cụ đều giàu chất dinh dưỡng và được chế biến phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Các nhân viên tại Trung tâm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cụ cùng với sự tri ân tận tâm

Với các nhân viên tại Trung tâm, tinh thần thoải mái của các cụ khi ở đây là niềm vui của họ. Nên các nhân viên luôn chăm chút từng miếng ăn,  giấc ngủ của mỗi người, gửi vào đó sự tri ân tận tâm.

Bảy ngày tại Trung tâm, đoàn người có công sẽ được tổ chức nghỉ dưỡng, được tiến hành vật lý trị liệu, bày tỏ nguyện vọng trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH về chính sách và tổ chức đi tham quan ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đây là thời gian để họ nghỉ ngơi, gặp bạn bè cũ trong kháng chiến và sống lại với những kỷ niệm trong quá khứ đạn bom.
 
Ông Mai Nay- thương binh 2/4 tâm sự: Đây là lần thứ 2 tôi được đến nghỉ dưỡng tại Trung tâm này. Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên đến đây, là lần đầu tôi gặp lại người bạn thân chí cốt cùng chiến đấu ngày xưa sau 30 năm hòa bình. Hai người cứ nghĩ người kia đã hy sinh tại chiến trường. Nào ngờ, chúng tôi lại được gặp nhau ngay trong Trung tâm này, thật ý nghĩa biết bao.

Với nhiều người như ông Nay, Trung tâm điều dưỡng người có công như sợi dây nối kết tình đồng đội xưa cũ tưởng chừng đã xa. Cho đến hôm nay, cũng vào những ngày tháng 7 lịch sử, họ lại có cơ hội đến Trung tâm. Thời điểm ý nghĩa cùng địa chỉ ý nghĩa khiến cho những người thương, bệnh binh không khỏi nghẹn ngào.

“Chúng tôi đã hy sinh nhiều thứ để chiến đấu giành lại độc lập cho đất nước. Đến hôm nay, khi đất nước hòa bình, Đảng, Nhà nước và thế hệ đi sau không hề quên những cống hiến của chúng tôi năm xưa. Khi được đến Trung tâm này, được chăm sóc và trò chuyện với các đồng đội, chúng tôi nhận ra rằng: Đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta chưa khi nào bị lãng quên!”- Ông Nay bộc bạch.



3 of 14