Truyền hình trực tuyến: Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công tại Quảng Nam!

Đăng ngày 21 tháng 7 năm 2020
Báo Dân trí: Không gian Hội trường Trung tâm văn hoá (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) sáng 21/7 đầy trầm mặc, trang nghiêm và xúc động. 73 Bằng Tổ quốc ghi công đang được trao tới thân nhân liệt sĩ sau bao ngày mong chờ…

Chương trình Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công sáng 21/7 có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương, ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, thân nhân của 73 liệt sĩ từ nhiều tỉnh, thành đã về đây dự lễ trao Bằng Tổ Quốc ghi công. Tâm trạng chung của thân nhân liệt sĩ có thể thấy rõ là sự tự hào xen lẫn xúc động trào dâng sau bao ngày chờ đợi… 

 
 
Phát Video
00:42

Lễ dâng hương tại Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam, sáng 21/7

Đúng 9h: Tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng ngân vang, mở đầu cho Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tại đây.

Chương trình có sự tham dự của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Ngô và mẹ Hồ Thị Phú.

Truyền hình trực tuyến: Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công tại Quảng Nam - 1

Hai Bà mẹ Việt nam anh hùng tới dự chương trình

9h 11 phút: Ông Phan Việt Cường - Bí thứ tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc.

Quảng Nam là địa phương có vị trí chiến lược, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp mở nước và giữ nước. Trong thời kỳ đầu khai phá, Quảng Nam đóng vai trò phiên dậu trong hành trình mở cửa về phương Nam.

Truyền thống yêu nước, yêu quê hương, ý chí quật cường, lòng quả cảm của người Quảng Nam được thể hiện. Nhiều thế hệ người con ưu tú Quảng Nam kế tiếp nhau lên đường, có mặt trên khắp các chiến trường, hy sinh làm nên nhiều chiến công vang dội với chiến thắng Núi thành lịch sử xứng đáng với 8 chữ vàng được Đảng, Nhà nước phong tặng: Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ.

"Trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Quảng Nam có hơn 65 455 liệt sỹ, hơn 135.000 thân nhân liệt sỹ, hơn 30.500 thương bệnh binh, hơn 58.000 người có công cách mạng. Đặc biệt, cả tỉnh có hơn 15200 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 605 mẹ VNAH còn sống" - ông Phan Việt Cường nói.

Nhân dân Quảng Nam luôn ghi nhận và tri ân sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Tỉnh Quảng Nam luôn chăm lo các đối tượng chính sách, 100% mẹ VANH còn sống được nhận phụcng dưỡng, đầu tư 115 tỷ đồng nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, xây 48 tượng đài tưởng niệm …

Ông Cường khẳng định, Lễ trao bằng tổ quốc ghi công năm 2020, không chỉ là sự tri ân những người con thân yêu của quê hương đất nước đã anh hũng hy sinh còn là thông điệp gửi thế hệ trẻ hôm nay, phải sống sao cho xứng đáng với những công lao to lớn của của thế hệ cha anh đi trước để xây dựng quê hương đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như bác Hồ kính yêu căn dặn.

9h20 phút: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo công tác thực hiện chính sách người có công.

"73 Bằng Tổ quốc ghi công được trao hôm nay, đại diện cho 580 Bằng Tổ quốc ghi công được trao tới thân nhân liệt sĩ dịp 27/7 năm 2020" - Bộ trưởng cho biết.

Truyền hình trực tuyến: Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công tại Quảng Nam - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Theo Bộ trưởng, phần đa các trường hợp công nhận liệt sĩ là những trường hợp đã hy sinh các đây đã quá lâu, trong thời kỳ chống Pháp, hy sinh cách đây 70 - 80 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ.

Nếu tính tuổi đời thì đến nay nhiều cụ đã trên 100 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 126 tuổi, rất nhiều trường hợp bị địch bắt tra tấn tới chết trong tù nhưng không có bất cứ một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ.

"Hầu hết các cụ, các bác đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử…" - Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, quá trình xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng đã xử lý căn bản và kết luận cụ thể về những vụ việc, hồ sơ rất phức tạp từ lâu chưa xử lý được nay đã được trình Chính phủ xem xét kết luận.

"Đơn cử như trường hợp 20 chiến sĩ dân quân nam, nữ, những tín đồ của đạo Cao Đài yêu nước đã dũng cảm hy sinh trong trận chiến đấu chống thực dân Pháp đánh vào Thánh Thất Giồng Bốm năm 1946, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau; 8 trường hợp đề nghị liệt sĩ tại Bắc Ninh, 14 trường hợp đề nghị liệt sĩ tại Hà Nội, 11 trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, chặt đầu tại Hải Phòng.." - Bộ trưởng cho biết.

Ngay buổi sáng hôm qua, 20/7/2020, Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng đã làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Quảng Nam để họp bàn, xem xét cụ thể các trường hợp còn vướng mắc, chưa được xem xét liệt sĩ, qua đó đã có kết luận cụ thể 6 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp sinh năm 1900(130 tuổi) hy sinh trong thời kỳ chống Pháp.

Bộ trưởng đánh giá, chỉ tính riêng từ tháng 7/2019 đến nay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 580 liệt sĩ và đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội xác nhận và cấp bằng tới đâu thì tổ chức trao ngay tới đó, không để thân nhân liệt sĩ phải chờ đợi.

Ngay trong tháng 7/2019, Bộ đã trình xác nhận 264 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và 35 tỉnh, thành phố, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, để có được kết quả như trên, có sự lãnh đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với trách nhiệm là người lãnh đạo cấp cao của Đảng, với tình cảm của nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

"Kết quả trên là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, nhất là các tổ chức chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các bậc lão thành cách mạng đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn để xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng..." - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng bày tỏ, chúng ta vẫn phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn hơn.

"Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn..." - Bộ trưởng khẳng định.

9h30 phút: Đang chiếu phim tài liệu "Tên anh đã thành tên đất nước".

9h 50 phút: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đọc quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công tới các thân nhân liệt sĩ.

9h 55 phút: Đợt 1 trao Bằng Tổ quốc ghi công tới các thân nhân liệt sĩ tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và bà Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ.

10h 00 phút: Đợt 2 trao Bằng Tổ quốc ghi công tới các thân nhân liệt sĩ tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ.

Truyền hình trực tuyến: Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công tại Quảng Nam - 3

Truyền hình trực tuyến: Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công tại Quảng Nam - 4

10h 05 phút: Đợt 2 trao Bằng Tổ quốc ghi công tới các thân nhân liệt sĩ tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ.

10h 13 phút: Ông Tạ Văn Tâm (huyện Thái Bình, tỉnh Cà Mau) - con liệt sĩ Tạ Thị Hoa, thay mặt các thân nhân phát biểu.

Bản thân ông là thương binh và đang công tác Hội Cựu chiến binh tại quê nhà. 

"Năm 1962, cha tôi được cấp trên phân công đi công tác. Trên đường đi, cha tôi bị địch bắt. Sau đó, cha tôi bị giặc giã man. Do thiếu giấy tờ, cha tôi chưa được xác nhận" - ông kể.

Bày tỏ lòng biết ơn, ông Tâm đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với trường hợp gia đình.

10h 18 phút: Ông Nguyễn Duy Ân (Phú Yên), cháu nội Liệt sĩ  Nguyễn Thị Lan phát biểu.

"Trên 50 năm mong ngóng, gia đình đã rất vinh dự và vui mừng tiếp nhận sự vinh danh của Tổ quốc. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào ngày 27/7"  - ông Ân bày tỏ.

10h 24 phút: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Truyền hình trực tuyến: Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công tại Quảng Nam - 5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh chụp qua màn hình ti vi)

Chủ tịch khẳng định, trong suốt 73 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

"Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công..." - Chủ tich cho biết.

Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ được nỗ lực thực hiện.
Các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc tìm kiếm, quy tập hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia. Việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN được chú trọng, góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Những việc làm đầy tình nghĩa đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ và con em liệt sĩ đang ngày đêm khắc khoải đợi chờ.
Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào trong nước và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài đã góp phần vào việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần đối với người có công.
"Tôi mong rằng mỗi người, mỗi ngành hãy làm tốt hơn nữa công tác này, coi đó là tình cảm, là vinh dự và trách nhiệm của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..." - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
10h 25 phút: Chương trình truyền hình trực tiếp Lễ trao 73 Bằng Tổ quốc ghi công đã kết thúc tốt đẹp.
Theo Dân trí!


3 of 14