Còn nhiều người có công là hộ nghèo
Trong những năm qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, gia đình có công với cách mạng luôn được ưu tiên hưởng lợi từ các chương trình, dự án để thoát nghèo bền vững, nhất là trong hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo điều kiện để phát triển sản xuất.
Từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân từ 1,5-2%. Riêng khu vực miền núi giảm bình quân trên 5%/năm. Trong đó có nhiều hộ gia đình thuộc diện người có công với cách mạng đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ nghèo thuộc diện người có công với cách mạng. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh vẫn còn 910 hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng, trong đó có hơn 200 hộ là bệnh binh, gần 350 hộ là người có công giúp đỡ cách mạng...
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, đa số các đối tượng hộ nghèo thuộc diện người có công là những người cao tuổi, sức khỏe yếu, không có khả năng lao động, không có việc làm ổn định, chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào tiền trợ cấp người có công. Ở các huyện đồng bằng có 198 hộ nghèo là người có công, cụ thể như Bình Sơn (64 hộ); Đức Phổ (36 hộ); Mộ Đức (34); Nghĩa Hành (32)... Đối với miền núi, các địa phương có nhiều hộ nghèo thuộc diện người có công là Ba Tơ (221); Sơn Hà (175); Trà Bồng (126)...
Khẩn trương thực hiện các giải pháp
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Xuân Sâm cho biết: Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Trung ương đề ra là: “Cuối năm 2019 cơ bản cả nước không còn đối tượng hộ nghèo thuộc diện người có công”, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho các đối tượng hộ nghèo thuộc người có công.
Trước hết, các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo thuộc diện người có công để có biện pháp phù hợp giúp các gia đình thoát nghèo. Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần ưu tiên cho đối tượng hộ nghèo thuộc chính sách người có công.
Đối với hộ nghèo thuộc chính sách người có công mà các thành viên trong hộ không có khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho từng hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
TM (theo MINH ANH baoquangngai.vn)