Hơn 2 thập kỷ kể từ ngày nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi những dòng thư “Kính gửi các cụ lão thành, các bác, toàn thể bà con, các đồng chí đảng viên, đoàn viên xóm Mù U, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi” về Tân An; người dân ở “vùng đất lửa” ấy vẫn nhớ như in và tự hào kể mãi. Bởi đấy là những lá thư đong đầy sự quan tâm ấm áp của một vị lãnh đạo dẫu bận “trăm công nghìn việc” nhưng vẫn luôn dõi theo và gửi thư thăm hỏi đến người dân.
Ngược dòng ký ức về với ngày 26.3.1999, lúc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi về xóm Tân An lá thư đầu tiên, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Vụ (83 tuổi) tự hào kể lại: "Người dân Tân An ngày ấy, ai nấy đều bất ngờ khi nhận được thư thăm hỏi của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Một người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành thời gian gửi thư quan tâm, căn dặn ấm tình đến người dân ở một xóm nhỏ, thực sự khiến mọi người rất xúc động và tự hào. Và càng xúc động hơn, khi Tổng Bí thư gọi tên làng bằng cái tên thân thương Mù U, thay vì gọi bằng tên hành chính là Tân An”.
Những lá thư mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi về cho nhân dân Tân An (Đức Phong). |
Trong thư, nguyên Tổng Bí thư đã gửi đến người dân Tân An những lời tâm sự ấm tình rằng:“Trước đây, tôi chưa có điều kiện tham gia hoạt động ở chiến trường Quảng Ngãi, nhưng tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần kiên cường, bất khuất, nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự đùm bọc nuôi dưỡng của Nhân dân Quảng Ngãi đối với lực lượng vũ trang là một tấm gương sáng cả nước đều biết”…
Không chỉ thăm hỏi, động viên, ông còn “phúc đáp” đến người dân Tân An rằng: “Tôi đã có thư gửi đồng chí Võ Đức Huy, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi để các đồng chí nghiên cứu, giải quyết các đề nghị của bà con”. Đồng thời đặc biệt căn dặn: “Các đồng chí phụ trách công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đi tận cơ sở, công phu nghiên cứu thực tiễn, có biện pháp thực tế giải quyết các nguyện vọng của Nhân dân, hướng dẫn cho cấp dưới và đôn đốc kiểm tra mọi việc đến nơi đến chốn”.
Những năm qua, nguyên Phó Bí thư huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Vụ nâng niu, giữ gìn những lá thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu như báu vật. |
Lý giải cho những căn dặn này, ông Nguyễn Vụ cho biết: “Đấy là những quan tâm, căn dặn liên quan đến việc mong muốn chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nhà tưởng niệm Tân An cũng như đời sống của người dân Tân An. Dù rằng, người dân địa phương thời ấy chưa từng gởi kiến nghị nào đến Trung ương về vấn đề này. Có chăng, chỉ là tâm tư, nguyện vọng của người dân được các nhà báo phản ánh và được đăng tải trên báo Thanh Niên, Pháp luật vào tháng 2.1999… Chính điều này, càng khiến người dân địa phương lúc bấy giờ càng thêm xúc động, khi Tổng Bí thư lúc ấy luôn theo dõi thông tin từ nhiều kênh để sâu sát đời sống Nhân dân”.
Ba năm kể từ khi gửi đi lá thư đầu tiên về cho người dân Tân An, đến năm 2002, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc ấy đã trực tiếp về thăm người dân xóm nhỏ anh hùng này.
“Ngày mà Tổng Bí thư ghé thăm xóm nhỏ, cả xóm chúng tôi ai nấy đều mừng vui, xúc động. Cả một hội trường rộng lớn là vậy, nhưng chật ních chỗ ngồi, vì ai cũng mong được trò chuyện, gởi gắm tâm sự cùng ông”, ông Nguyễn Ngọc Độ - người thương binh đã hi sinh một phần xương máu để bảo vệ mảnh đất Tân An xúc động hồi tưởng.
Hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm nhân dân Tân An được chính quyền địa phương trưng bày trong nhà truyền thống của xã. |
Đến đầu năm 2003, sau khi nghe tin người dân Tân An vừa được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đóng mới 2 chiếc tàu công suất lớn (đây cũng là hai chiếc tàu công suất lớn đầu tiên của cả xã Đức Phong – PV), ông lại tiếp tục gửi thư về cho người dân Tân An. Trong thư, ông vừa vui chung niềm vui với đồng bào Tân An, vừa căn dặn mọi người: “Chúc Nhân dân sản xuất tốt, phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp”…
Đã hơn 20 năm, những dặn dò của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức người dân Tân An. Mỗi khi nhắc đến ông, mọi người vẫn thường nhớ về những bức thư chan chứa những lời căn dặn thân thuộc, ấm tình…
Tân An từng là căn cứ cách mạng của khu Đông huyện Mộ Đức trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Không chỉ là vùng đất có rất nhiều liệt sĩ, thương binh; Tân An còn là nơi ghi dấu tội ác của quân xâm lược khi vào ngày 22.6.1966, hải quân Mỹ từ ngoài khơi dùng pháo hạm bắn vào bãi biển Tân An làm chết và bị thương hơn 100 người… |
Bài, ảnh: Ý THU (baoquangngai.vn)