Chạm đến giấc mơ

Đăng ngày 6 tháng 10 năm 2019
Điều rất đỗi bình thường của một con người như đi, đứng, nói, cười… vậy mà lại là một giấc mơ đối với nhiều trẻ em khuyết tật. Để chạm đến những ước mơ bình thường như thế đó, nhưng với các em là một chặng đường dài…

Nước mắt trẻ thơ

Chuyện cứ ngỡ như đùa nhưng lại là sự thật khi một đứa trẻ 13 tuổi ở bệnh viện một mình nhiều ngày liền trước khi lên bàn phẫu thuật, đây lại là một ca mổ khó. Đó là chuyện về cô bé Đinh Thị Thủy, sinh năm 2006; quê ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên huyện Sơn Tây.  Thủy bị sẹo bỏng, co rút hai chân không đi lại được. Chỉ nhìn thấy hình ảnh đôi chân của em không thôi cũng đủ khiến cho nhiều người sợ hãi, nhưng thương lắm một đứa trẻ bất hạnh. Thủy mồ côi mẹ từ nhỏ, cha thì nghiện rượu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhà có ba anh em, đứa lớn chưa đầy 16 tuổi nhưng đã đi làm ăn xa, Thủy là con giữa, còn em trai sắp bước vào lớp 5. Khi còn nhỏ, trong một lần vào rừng cùng bố mẹ, Thủy không may bị bỏng do cháy rừng nhưng không được chạy chữa, để rồi cô bé phải chịu cảnh sống thiệt thòi, bất hạnh. Thủy không được chạy nhảy cười đùa, không được tung tăng cắp sách đến trường như các bạn, mà thay vào đó là ngậm ngùi trong nước mắt. Cô bé giờ thì nửa chữ bẻ đôi cũng không biết.

Qua đợt khám tầm soát cho trẻ em khuyết tật, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phát hiện và biết được trường hợp của Thủy, Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ kinh phí giúp em được phẫu thuật. Thế nhưng con đường từ nhà đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng của cha con Thủy cũng lắm bi hài. Cán bộ ở xã Sơn Liên quyên góp tiền gần được 1 triệu đồng tặng cho hai bố con làm lộ phí. Người cha cõng con gái, đón xe từ huyện Sơn Tây xuống TP.Quảng Ngãi, vậy mà đi một ngày đường vẫn chưa đến nơi. Cán bộ Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh sốt ruột hỏi thăm thì được biết người cha dừng chân trên đường đi để uống rượu. Ngày thứ hai, giữa cái nắng cháy da người, thương làm sao hình ảnh ông bố cõng đứa con gái tật nguyền đứng trước trụ sở Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh. Cán bộ Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh cho tiền, thuê xe đưa hai bố con đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. “Cho đến khi bác sĩ của bệnh viện báo tin đã gặp được hai bố con Thủy, lúc đó mình mới yên tâm. Nhưng đâu dừng lại ở đó, khi chuẩn bị lên lịch mổ thì người cha để con gái ở lại bệnh viện, một mình đi lang thang tìm nơi bán rượu, nhưng không may bị lạc đường, theo chỉ dẫn của người đi đường men theo đường sắt Bắc-Nam rồi về lại Quảng Ngãi. Mọi người lại một phen vất vả tìm kiếm”.
Tội nghiệp Thủy, một mình em ở lại bệnh viện. Tình người thật đáng quý, em được người nhà bệnh nhân mua cho quần áo mới, tắm rửa sạch sẽ, hằng ngày ăn suất cơm từ thiện của bệnh viện. Hôm 14.8.2019, Thủy được phẫu thuật. Các bác sĩ cho biết, ca phẫu thuật rất thành công. Thời gian tới, cô bé sẽ được phẫu thuật lần hai để đảm bảo tính thẩm mỹ. “Là con gái mà, không chỉ đi lại được mà bé Thủy cần phải có đôi chân đẹp để mai này còn mặc váy nữa chứ”, anh Thọ động viên. Bé Thủy nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ có những giọt nước mắt hạnh phúc đọng lại trên khuôn mặt của cô bé. Vậy là chỉ vài ngày nữa thôi, Thủy đã có thể chạm đến giấc mơ lớn lao của cuộc đời, đó là được đi lại trên đôi chân của chính mình.
Điểm tựa tình người
Trong tháng 8.2019 trên địa bàn tỉnh có 28 trẻ em khuyết tật vận động được Tổ chức Zhishan Foundation (Đài Loan) tài trợ kinh phí phẫu thuật với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.  “Đa số trẻ em khuyết tật là con nhà nghèo. Chính tình người đã giúp các em xóa bỏ mặc cảm, có được niềm vui và tự tin bước tiếp trong cuộc sống khi được đi lại trên đôi chân của chính mình”.
Trong những năm qua, Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát toàn tỉnh có khoảng 21 nghìn trẻ em khuyết tật các loại, bao gồm mắt, tim bẩm sinh, dị tật vận động, sứt môi hở hàm ếch. Đối với trẻ em bị khuyết tật, mỗi năm Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh trích kinh phí huy động được khoảng 12 tỷ đồng, hỗ trợ phẫu thuật cho khoảng 500 em. Hầu hết các em sau phẫu thuật sức khỏe tốt và hòa nhập cộng đồng.
            Ông Bùi Đức Thọ cho biết, khó khăn trong quá trình hỗ trợ trẻ em khuyết tật không chỉ là nguồn kinh phí, mà còn là tuyên truyền thay đổi nhận thức của các gia đình có trẻ em khuyết tật. Nhiều trẻ em khuyết tật mất đi cơ hội được phẫu thuật để hòa nhập cộng đồng, chịu nhiều thiệt  thòi cũng bởi nhận thức của cha mẹ còn hạn chế. Nhiều người vẫn còn suy nghĩ “Trời sinh sao để vậy”, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

BOX:  “Thêm một trẻ em khuyết được hỗ trợ phẫu thuật là thêm niềm vui. Cứ thế, dù khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn cố gắng để giúp đỡ các em. Rất mong các tấm lòng hảo tâm đồng hành cùng trẻ em khuyết tật, giúp các em thực hiện ước mơ rất đỗi bình thường của trẻ thơ “, Giám đốc Qũy Bảo trợ trẻ em tỉnh Bùi Đức Thọ.

 PHƯƠNG LÝ(quangngai.gov.vn) 



3 of 14