Trung tâm Điều dưỡng người có công hiện đang nuôi dưỡng 19 cụ, trong đó 1 Bà Mẹ VNAH, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 9 thương binh, còn lại là thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng. Các cụ ở đây đều trên 65 tuổi, cao nhất là 93 tuổi.
Cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Ngãi chăm sóc tận tình, chu đáo người có công.
Ông Lê Quý Đẩu, năm nay 92 tuổi, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau khi về hưu, ông về sống ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp (Bình Sơn), nhưng không có con cái chăm sóc. Không muốn là gánh nặng của người thân, nên từ 5 năm nay, ông Đẩu đã là thành viên của Trung tâm này.
Cạnh phòng ông Đẩu là phòng của Mẹ VNAH Huỳnh Thị Thủ (93 tuổi). Mẹ Thủ không tự phục vụ được nên cán bộ Trung tâm luôn túc trực chăm sóc mẹ. Không có con cháu nên mẹ Thủ chọn Trung tâm là mái ấm bình yên cho những ngày cuối đời.
Các cụ vào Trung tâm đều già yếu, nhân viên phục vụ phải hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài chăm lo nơi ở, bữa ăn, giấc ngủ, tập thể dục, tập vật lý trị liệu để nâng cao thể trạng... Trung tâm còn chiếu phim tư liệu về lịch sử, kể chuyện về Bác Hồ; tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa nhân các ngày lễ, Tết; tổ chức cho các cụ đi tham quan, giao lưu với Trung tâm Điều dưỡng người có công các tỉnh, thành...
Trưởng phòng Hành chính - Tài vụ của Trung tâm, bà Lương Thị Hà Thanh cho biết: Anh chị em làm việc ở đây xem các cụ như cha mẹ mình. Các cụ già yếu nên cán bộ, nhân viên phải giúp các cụ mọi việc. Người cao tuổi tính khí thường thay đổi, khi nhớ khi quên. Cán bộ, nhân viên vẫn phải nhẹ nhàng an ủi, động viên, vỗ về các cụ... Đó cũng là một trong những biện pháp trị liệu để các cụ quên cảm giác cô đơn.
Bà Trần Thị Đây (70 tuổi) là người có công cách mạng, trước khi vào Trung tâm bà bị tai biến. Sau một thời gian được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình, đưa đi điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, nên hiện giờ sức khỏe của bà cải thiện hơn. “Tôi cũng như mọi người ở đây, được phục vụ chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến các bài tập thể dục phục hồi chức năng. Tôi cảm thấy rất ấm lòng!”, bà Đây chia sẻ.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Trịnh Xuân Tưởng cho biết: "Chúng tôi coi đây là bổn phận, trách nhiệm "đền ơn đáp nghĩa" của lớp hậu thế đối với những người đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, hy sinh, có nhiều đóng góp cho đất nước. Vì thế, làm gì được để các cụ khỏe, vui, thì chúng tôi đều cố gắng hết sức".
Bài, ảnh: TRUNG ÂN (baoquangngai)